Một góc chùa Hang Câu.
Đã 3 đời sống trên huyện đảo Lý Sơn nhưng Nguyễn Công Danh lại lập nghiệp ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai). Song năm nào cũng vậy, anh đều đưa gia đình về quê mình đón Tết. Vài năm trở lại đây, ở đảo Tết nào cũng đông vui, nhộn nhịp như ở đất liền. Bây giờ ra đảo không đến 45 phút đi tàu. Nhiều người cũng đưa gia đình ra đảo đón Tết để được đắm mình trong không gian thiên nhiên thật yên bình: thăm cột cờ Tổ quốc, đến chùa Hang Câu, thăm núi Thới Lơi, đến cổng Tò Vò hay đắm mình trong làn nước xanh mát…
Ngày Tết bà con trên đảo cũng chọn cho gia đình mình chậu cúc, chậu mai, cành đào từ đất liền đưa ra. Trên bàn gia tiên cũng có đầy đủ hoa quả, bánh tét, bánh chưng, nhiều gia đình còn treo cả câu đối đỏ.
Đến thăm đảo bé (xã An Bình), phần lớn người trên đảo gần như là bà con nhiều đời nên đều gắn bó sẻ chia với nhau trong cuộc sống. “Những ai đi làm ăn xa thì dăm ba ngày Tết cũng cố gắng trở về họp mặt gia đình đông đủ, con cháu sum vầy”-anh Nguyễn Công Danh cho biết. Và cũng theo anh Danh, ngoài đảo lớn (gồm xã An Vĩnh và xã An Hải) đã có điện quốc gia, ở đảo Bé, từ 3 năm trở lại đây, giờ cũng đã có điện 24/24 nên đời sống 60 hộ dân trên đảo đã có nhiều thay đổi.
Đến thăm nhà anh Trần Công Nhân ở đảo bé.
Mùng 3 Tết, chúng tôi xuất bến ra huyện đảo Lý Sơn, tài công Trương Đình Toàn của Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Vận tải Hồng Danh cho biết: “Ở đây mùng 1 Tết vẫn có tàu chạy ra đảo. Như hôm nay (mùng 3 Tết-P.V) là có 4 chuyến đi (về) đúng giờ nên hành khách rất an tâm. Ngoài những người ra-vào thăm bà con hay về nhà trên đảo thì nhiều năm trở lại đây rất đông khách du xuân ra đảo tìm về với thiên nhiên hoang sơ, được đắm mình trong dòng nước mát của biển. Ở đảo, sau một ngày khám phá bạn cũng có thể nghỉ lại khách sạn hoặc có thể phược theo hình thức homestay”.
Du khách làm thủ tục xuống tàu ra đảo Lý Sơn.
Vào mùa xuân đến đảo Lý Sơn du khách còn được hòa chung với không khí lễ hội. Trong những ngày Tết đặt chân đến đảo, chúng tôi thấy ở sân đình, ngoài ngõ xóm đến các lăng tẩm, đền, điện… được treo cờ hội bay phất phới, rạo rực trước gió xuân, đâu đây lời ca rộn ràng thăng hoa chúc tụng, xen lẫn điệu hò, điệu hát làm xao xuyến, ngất ngây người đi trẩy hội, đi du lịch khám khá.
Theo anh Trần Công Nhân (thôn Tây, xã An Bình) cho biết, ở đây còn có hội làng, hội xóm, hội lân hoặc lễ hội ở Vạn Chài. “Trên đảo, phong tục cúng bái ông bà trong ba ngày Tết ở mỗi gia đình được xem là nghi lễ không thể bỏ qua từ ngàn đời nay. Ngoài ra, còn có lễ hội mang tính cộng đồng làng xã, lễ hội mang tính chất phạm vi tộc họ, tiền hiền, hậu hiền. Không những thế, ngày Tết nhiều lứa cựu học trò lập nghiệp phương xa cũng tề tựu về họp nhóm, họp lớp thật đông vui, sau đó lại chia tay với những lời chúc cho mỗi người thêm một tuổi mới, một năm mới gặp nhiều may mắn trên mỗi công việc”.
Anh Trần Công Nhân cũng không quên nhắc tôi một câu: “Bạn nên nán lại đến mùng 4 Tết để xem lễ hội đua ghe thì biết” và anh đọc luôn 2 câu lục bát mà tôi không biết từ đâu: “Mùng bốn có hội đua ghe/Đến khi mùng bảy chia phe dồi bồng”…
Tết này là lần đầu tôi được du xuân trên huyện đảo Lý Sơn, được ngắm những rạn san hô dưới lòng nước xanh biếc, được vui xuân cùng bà con trên đảo và mới thấy tự hào về biển đảo quê hương mình biết mấy. Nếu có một lần, tôi sẽ trở lại thăm đảo Lý Sơn.
Theo Baogialai.com.vn
Thảo luận về post này