Bài viết hôm nay mình xin giới thiệu các bạn 20 MÓN NGON (ĐẶC SẢN) NHẤT ĐỊNH PHẢI ĂN KHI ĐẾN GIA LAI.
1. PHỞ KHÔ GIA LAI
Phở khô là món ăn đặc trưng của người Gia Lai, còn có tên gọi khác là phở hai tô. Sở dĩ có tên như vậy vì khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, một tô bánh phở và một tô nước súp được chế biến theo phương thức gia truyền của mỗi quán.
Khác với bánh phở các nơi khác, phở Gia Lai có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu, nhưng săn và hơi dai hơn. Việc trụng bánh phở tưởng chừng đơn giản nhưng phải có bí quyết riêng. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, không vón cục để thực khách dễ dàng pha chế với tương nâu, xì dầu, tương ớt cho vừa khẩu vị của từng người. Ngoài sợi phở, nước dùng cũng là thành phần quan trọng làm nên sự ngon miệng cho món ăn. Nước súp của phở khô Gia Lai trong veo và có vị thanh ngọt rất ngon miệng. Để có được điều đó, người ta ninh xương lợn và bò để lấy nước dùng. Trong quá trình ninh, phải canh hớt bọt liên tục. Trong tô nước lèo là các nguyên liệu còn lại để hoàn thiện món phở khô Gia Lai, đó có thể là một vài viên bò, đôi ba miếng bò tái thái lát mỏng hay thịt gà, điểm xuyết màu xanh của hành lá rau thơm hấp dẫn vô cùng.
Du khách có thể thưởng thức phở khô Gia Lai tại quán Hồng 22 Nguyễn Văn Trỗi, Tp.Pleiku, ĐT: 090 542 3939, Phở Ngọc Sơn 15 Nguyễn Thái Học, Phở Tàu Lý 36 Trần Phú, Tp.Pleiku, Phở Bé Tư Phan Đình Phùng … với giá dao động từ 30.000 – 35.000đ/tô khi có dịp đến phố núi Pleiku. Gắp một đũa bánh phở đã trộn đều với tương đậu cho vào miệng, cảm nhận vị béo của bánh, vị bùi bùi, mằn mặn của tương nâu, thêm một ít xà lách, húng quế để thấy cái vị the the tan nơi đầu lưỡi. Sì sụp húp một muỗng nước súp nóng hổi, thơm phức và tận hưởng vị ngọt của miếng thịt bò non vừa chín tới thì quả không còn gì bằng. Cũng bởi vậy mà phở khô Gia Lai ngày nay được người cao nguyên tự hào mang đi khắp nơi, đưa hương vị phố núi giới thiệu với bạn bè các vùng miền, chinh phục những chuyên gia ẩm thực khó tính nhất để trở thành một trong mười đặc sản Việt Nam được tổ chức kỉ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á…
2. Gà nướng
Đến Gia Lai bạn không thể quên thưởng thức món ngon rất hấp dẫn thực khách mà khi đã ăn một lần thì sẽ nhớ mãi – Gà nướng – Cơm lam.
Nguyên liệu chính của món ăn này là gà, không phải loại gà bình thường mà là gà “leo núi, bới sói tìm mồi, tối ngủ trên cây” – loại gà đã trở thành thương hiệu của đồng bào dân tộc Tây nguyên, loại gà này cho thịt rất chắc và thơm ngon. Với địa hình tự nhiên là đồi núi nhiều nên đồng bào dân tộc thường nuôi thả gà một cách tự nhiên chứ không nuôi trong chuồng trại hay khuôn viên hẹp như tại các địa phương khác, tập tục nay làm cho những chú gà sinh ra và lớn lên cùng thiên nhiên nên vẫn giữ được tính tự nhiên và hoang dã như cỏ cây đất trời nơi đây.
Hơn nữa, vì được nuôi hoàn toàn tự nhiên nên chất lượng gà nơi đây thuộc dạng “ hảo hạng”, những chú gà đến tuổi “xuất chuồng” cũng chỉ nặng trên dưới 1,5kg nên rất thích hợp làm món nướng.
Gà sau khi làm thịt xong, được kẹp lại bằng ống tre và nướng bằng hơi than khoảng 20-30 phút gà chín cho mùi thơm ngậy, vàng đều. Trong quá trình nướng phải chú ý điều chỉnh cho than vừa đủ để làm thịt chín mà k bị cháy, thường xuyên quay trở các bề mặt của gà chín đều.
Đồ chấm cho món gà nướng này phải là muối hạt, ớt, lá é – một loại lá chỉ ở vùng Tây nguyên mới có, lá này có mùi vị đặc trưng riêng biệt dành cho gà nướng. Tất cả các gia vị trên trộn đều giã nhuyễn tạo thành hương vị mằn mặn của muối, cay cay của ớt hăng hăng của lá é càng làm cho món ăn thêm hấp dẫn, ăn kèm với thịt gà nướng là Cơm lam.
Các quán nổi tiếng ở Gia Lai như Gà nướng Tiên Sơn (Đ/c: Tân Sơn, Tp.Pleiku. ĐT: 0166 573 8905); quán Gà nướng Nghệ nhân Ksor Hnao ( Đ/c: 49/18 Trần Nguyên Hãn, phường Đống Đa, Tp.Pleiku. ĐT: 0982 689 239); Quán Bazan – 480 Lê Duẩn, Tp.Pleiku. ĐT: 0269.3821 783, Gà nướng Ia Gui ( 27 Phạm Ngọc Thạch, Tp.Pleiku. ĐT: 0269.3825 225), Nhà hàng Tơ Rưng, 220 Tôn Đức Thắng, ĐT: 0906 519 099, Quán JaRai Food (09 Duy Tân, Phường Diên Hồng, TP.Pleiku), ĐT: 0947 117 558….
3. HEO SỌC DƯA
Heo sọc dưa có nguồn gốc và hương vị như heo rừng được người dân bản địa thuần hóa nuôi thả vườn trong gia đình. Tuy nuôi trong vườn nhà nhưng với lối sống của đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai vẫn còn dựa vào thiên nhiên nên loài heo sọc dưa này vẫn được nuôi thả rông như heo rừng và thịt săn, thơm đậm, ngọt như heo rừng vậy, ăn khác hẳn với các loại heo thông thường chúng ta hay dùng.
Trước khi chế biến phải chọn con heo ron ron thon dài, chân cao, mỏ dài, cổ thon mới là heo ngon và đạt tiêu chuẩn. Một con nặng từ 6-7 kg cho mười thực khách, chế biến ra được 7 món gồm: heo giả cầy được nấu với mẻ chua, heo chiên mắm ăn kèm cùng bánh hỏi, lòng dồi, heo hấp, ba chỉ nướng giòn, lòng đắng, xương nấu măng dùng chung với bún tươi… các món này đều ăn kèm với thức chấm là nước mắm hay muối ớt lá é rất thích hợp và ngon miệng. Trong các nhà hàng, hiện nay heo sọc dưa trở thành món ăn đặc sản, mang hương vị bản địa nhận được nhiều sự ưa thích của thực khách.
Đặc biệt nhất từ con heo sọc dưa là chế biến ra món lòng đắng mang tính chất đặc trưng của người dân bản địa vừa có vị đắng của khổ qua, vị cay nồng của ớt lại vừa mang vị chát của chuối và chua chua của khế lá giang. Còn món xương nấu măng phải là nấu cùng với đặc trưng vùng miền là măng hay su su thì mới ngon, nếu nấu với những củ quả phổ biến khác thì hiệu quả không bằng.
Hiện nay món heo sọc dưa đang rất được ưa chuộng, nhất là vào những dịp tất niên cuối năm vì người ta quan niệm ăn heo sọc dưa sẽ mang lại may mắn cho cả năm, làm ăn phát đạt, thuận lợi.
4. CÁ SÔNG SÊ SAN
Nhắc đến Sê San người ta nhớ ngay đến những đặc sản như cá Anh Vũ, cá Lăng, cá Sọc dưa…. Cá sông Sê San được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây với cách chế biến đa dạng và giàu chất dinh dưỡng. Một số món đặc trưng của các nhà hàng tại Gia Lai như: Cá nấu măng, cá hấp gừng, cá hấp hoa chuối, cá um chuối xanh, cá chiên gừng, cá nướng, gỏi cá, lòng cá xào cà đắng….
Cứ vào đầu mùa mưa hàng năm, cá lăng bơi từng đàn, đua nhau vùng vẫy, làm náo động cả vùng sông nước mênh mông. Gặp mưa lũ lớn, cá lăng thỏa sức vẫy vùng, có con nhảy cả lên bờ sông, nhảy hẳn vào thuyền độc mộc, thậm chí trôi nổi lềnh bềnh như những cây gỗ trên mặt sông Sê San. Bởi vậy, người dân khi đó chỉ cần dùng những dụng cụ thô sơ như lao, dao, thòng lọng… là có thể săn bắt được cá lăng lớn.
Cá lăng không chỉ là loại thực phẩm sạch, an toàn, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe mà còn giàu các chất làm đẹp da, làm tăng cường thị giác, thính giác… Dân gian vẫn truyền miệng rằng: Ăn cá lăng, khỏe mạnh, da dẻ sẽ hết mụn nhọt, trơn tru, nhẵn bóng. Ăn mắt cá lăng sẽ hết chảy nước mắt sống và mắt sáng. Ăn râu cá lăng thì thính giác, vị giác sẽ tinh tường… Thực khách có thể thưởng thức các món cá sông tại các quán như: Lộc Vừng, 03 Bùi Dự, Tp.Pleiku. ĐT: 0269.2222 118; Quán Minh Tuấn, 90 Hoàng Quốc Việt, Tp.Pleiku…
5. BÒ MỘT NẮNG
Bò một nắng là món ăn đặc sản mang hương vị mộc mạc, thuần túy của núi rừng Tây Nguyên. Món ăn này đã thực sự chinh phục đông đảo thực khách và khẳng định chỗ đứng của mình trong làng ẩm thực Việt. Bò một nắng có tên gọi đầy đủ là “Bò một nắng hai sương”, thịt bò chỉ phơi một nắng cho vừa héo nên khi đem nướng trên lửa than đượm thơm ngon lạ lùng. Đây là món ăn được nhiều người ưa thích. Để món này được thơm ngon đúng điệu, trước hết phải chọn loại bò cỏ tơ, được chăn thả tự nhiên trên các triền núi, mé sông và chỉ chọn phần thịt đùi và thịt thăn để chế biến. Thịt được thái thành những lát vừa phải, ướp thấm tháp với nhiều gia vị như muối, sả, đường, bột ngọt, hạt nêm, ớt khô rồi phơi qua một nắng. Khi ăn du khách nướng trên lửa than, lật trở cho chín đều, se khô và hơi rám cháy là ngon nhất. Món này ăn kèm với muối kiến được làm từ những tổ kiến lấy trên rừng về, làm sạch, giã nhuyễn cùng muối hạt, ớt, lá then len… tạo thành vị cay chua rất độc đáo.
Du khách có thể liên hệ cơ sở sản xuất bò một nắng Mười Đức – 99A Ngô Thị Nhậm – Tp.Pleiku. ĐT: 0984 499 579; Cơ sở Bò Một Nắng 382A Cách mạng tháng 8, Tp.Pleiku. ĐT: 0935 789 009 để thưởng thức món ăn độc đáo này.
6. CƠM LAM
Cơm lam hay còn gọi là Cơm nướng ống được coi là món ăn của núi rừng bởi nó chứa đựng sự ngọt ngào của suối và hương vị thơm ngon của loại gạo đặc biệt nơi đây.
Để làm được Cơm nướng ống ngon đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên là khâu chọn cây nứa, tre. Loại tre, nứa này phải còn non chặt lấy gióng lưng chừng bỏ đầu mặt, lấy lá làm nút.
Khâu chọn gạo cũng rất quan trọng, gạo phải là gạo dẻo, thơm, sau đó mang ngâm, vo sạch thêm một ít muối trộn đều sau cùng là cho gạo vào ống tre, nứa rồi mang đi nướng.
Khâu nướng cũng không kém phần kì công, có nhiều cách nướng nhưng cách nướng xếp thành mái nhà xung quang đống lửa như thế cơm sẽ chín đều và dễ trở các mặt của ống tre, nứa. Khi cơm chín có mùi thơm của gạo hoà quyện với ống tre, nứa mùi vị ngậy ngậy.
Cơm sau khi đã chín lấy tước xung quanh ống tre, nứa bẻ từng khúc ăn với gà nướng muối é hoặc đậu phộng rang nhạt và giã dập thì thật tuyệt. Món ăn sẽ làm cho du khách đi rồi vẫn nhớ mãi nơi đây.
7. YAOURT THỦY
Yaourt Thủy
Đến phố núi vào những ngày hè nắng nóng được thưởng thức 1 hủ yaourt hay 1 ly kem là điều tuyệt vời. Yaourt Pleiku là kết hợp giữa vị chua ngọt lên men tự nhiên lại có thêm chút vị béo ngậy của dừa, sữa và thêm chút vị mặn mặn ăn kèm của muối nên rất hấp dẫn và lạ miệng. Yaourt Thủy trên đường Nguyễn Du (gần sân vận động Pleiku) hay các quán yaourt trên đường Cù Chính Lan là địa chỉ bỏ túi cho bạn nếu muốn thưởng thức món ăn này.
Các quán kem như kem tự chọn Mochi đường Hùng Vương, kem 38 đường Cách Mạng, kem Thăng Long đường Hoàng Văn Thụ hay được bán kèm trong các quán cà phê trên địa bàn thành phố được đánh giá tốt về chất lượng và phong phú, đa dạng về các loại kem như kem trái cây, kem ly, kem trái dừa… với nhiều sự lựa chọn cho thực khách.
8. BÚN PHƯƠNG GIA LAI
Bún Phương Gia Lai (46 Nguyễn Thái Học): Là một địa điểm nổi tiếng ở Pleiku. Bún Phương vang danh khắp nơi và có chi nhánh ở TP HCM. Quán đảm bảo vệ sinh, bún ăn rất ngon, thịt nướng nóng thơm ngậy ăn kèm với rau sẽ mang cho thực khách cảm giác khác lạ.
9. BÒ NÉ 3 NGON
Bò né 3 ngon (59 Nguyễn Thiện Thuật): Khi thưởng thức món bò né ở Gia Lai, bạn sẽ có cảm giác nó giống món bò bít tết chảo gang nhưng có mùi vị đặc trưng và theo cảm nhận là ngon hơn. Bánh mỳ ở đây ngon, giòn nóng, ăn kèm rất hợp với món ăn. Quán đông nhưng nhân viên phục vụ nhiệt tình và nhanh nhẹn.
10. CHÈ BÀ DŨNG
Quán chè bà Dũng rất lâu đời tại Pleiku, tại đâycó nhiều món chè ngon để thực khách lựa chọn như chè chuối nướng, chè hạt sen sầu riêng, chè đậu xanh đậu đỏ, trái cây, chè rau câu đông sương, Sâm bổ lượng,chè Bưởi… Hương vị chè ở đây mang cảm giác riêng, ngọt thanh, nước dừa ở đây béo ngậy và thơm hấp dẫn thực khách… .Quán tọa lạc tại 05 Nguyễn Thái Học, Tp.Pleiku.
11. CÀ PHÊ GIA LAI
Có lẽ nói đến Gia Lai đa phần du khách đều hình dung ngay với sản vật địa phương là cà phê nổi tiếng. Vùng đất của những cánh rừng cà phê bạt ngàn mang lại lợi nhuận kinh tế cho vùng và đã trở thành một trong những biểu tượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, không ít lần níu chân du khách thập phương bởi hương cà phê nồng nàn.
Dừng chân thăm phố núi, được thưởng thức tách cà phê thơm nồng vào buổi sớm mai là cái thú tuyệt vời khó diễn đạt lại bằng lời. Phin cà phê nhỏ vừa đủ để châm ly tách thôi. Tráng nước sôi qua phin để làm giảm bớt nhiệt lượng mà phin hấp thụ thì khi pha cà phê sẽ có được ly đậm vị và thơm nồng. Một phin cà phê châm vào không nén quá chặt khiến cà phê khó chảy cũng không quá nhẹ khiến cà phê nhạt đi. Khi phin cà phê bắt đầu nhỏ giọt, những câu chuyện bắt đầu rôm rả tạo một khởi đầu sảng khoái cho ngày mới. Tâm trạng của bất cứ ai, dù là người địa phương hay du khách, cũng đều thêm phần phấn chấn kể từ lúc những giọt cà phê phố núi bắt đầu nhỏ giọt ấy.
Có dịp đến Gia Lai, bạn hãy thử ghé vào quán Cà phê nào đó để thưởng thức cà phê ngay tại xứ sở, chắc chắn sẽ nhận thấy nhiều điều khác biệt. Hiện nay có rất nhiều quán cà phê được thiết kế với không gian đẹp, ấn tượng như quán L’amant Cafe (28 Trần Phú, 404 Lê Duẩn), City View Cafe (32 Nguyễn Tất Thành), KAP Bistro (46 Hùng Vương), Rin Coffee (02 Lê Hồng Phong), Lâm Viên (96/3 Phan Đình Phùng), quán Classic (32 Phan Đình Phùng), cà phê Thu Hà (09 Nguyễn Thái Học), Maya Coffee (98 Sư Vạn Hạnh), King Coffee (02 Lê Lợi), cà phê Tigon (61 Nguyễn Tất Thành), Huế Xưa Coffee (780 Phạm Văn Đồng), Vương Cát Coffee & Tea Garden (37 Thống Nhất), Mesa Bakery & Coffee (47 Nguyễn Văn Trỗi), Sê San Coffee (89 Hùng Vương), Gia Lê coffee (Lê Lợi), The Corner Coffee (108 Thống Nhất)… Garden Coffee & Kids (256 Phù Đổng, P. Hoa Lư, Tp.Pleiku, Gia Lai), Memory coffee (22 Lê Quý Đôn, Tp.Pleiku, Gia Lai), Biển & Em Coffee (80/1 Đồng Tiến), Note Coffee (41A Lê Hồng Phong), Bonjour Camera Gia Lai (01 Lê Lai), An Miên (10 Nguyễn Tất Thành), Cà phê Trâm (77 Wừu)….
Vị ngon đặc trưng của cà phê không chỉ ở hương vị, mà còn ở chút hồn phố núi vương đọng chung quanh khi ta thưởng thức. Vị nồng nàn cũng không chỉ bởi từ hương cà phê, mà còn bởi hương núi rừng bạt ngàn gió, quyện trong từng phần nương rẫy cà phê xanh ngắt trĩu quả mỗi mùa về.
12. CƠM GÀ
Cơm gà là món phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trong nước, tuy nhiên cơm gà ở phố núi mang vị rất riêng mà du khách nên thử một lần nếu có dịp ghé qua. Gà được luộc lên rồi đem chiên nên phần da và xương giòn, thịt vẫn dai ngon, dậy mùi thơm. Các quán cơm gà Mỹ Tâm đường Hùng Vương, cơ sở 2 đường Quang Trung, Cơm gà Hải Nam đường Hai Bà Trưng, cơm gà Đông Kinh đường Hai Bà Trưng (đối diện Hải Nam)…
13. LỤI NƯỚNG GIA LAI
Món Lụi Nướng Gia Lai được chấm với nước tương me hoặc tương đậu, khiến bạn ăn mãi không muốn ngừng. Vỏ thì giòn, nhân thì nóng hổi cả kể lúc đưa vào miệng, nước tương thì đậm đà. Khi cắn miếng đầu tiên thì bạn sẽ nhận ra rằng mình như là vừa lạc vào xứ sở phố núi cao nguyên, rồi bạn chỉ muốn ở đó mãi để được thưởng thức món ăn tuyệt hảo này.
14. BÚN CUA GIA LAI
Du khách đến thành phố Pleiku (Gia Lai) từng nghe đến món bún cua thối rất quen thuộc của người dân phố núi. Tuy nhiên không nhiều khách dám thử bởi mùi thum thủm của cua thối, nhưng nếu đã ăn rồi thì khó lòng mà quên được bởi hương vị rất đặc trưng.
Bún cua – đặc sản của phố núi Pleiku rất kén người ăn. Ảnh: ngoisao
Chỉ cần đến gần quán ăn, bạn đã ngửi thấy mùi thum thủm bởi cua đồng sau khi được rửa sạch, giã lấy nước thì người ta ủ một đêm cho cua lên mùi rồi mới mang đi nấu. Chính vì mùi vị này mà món ăn rất kén người ăn, không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của nước cua lên men.
Theo người dân phố núi, món ăn có nguồn gốc từ những người Bình Định di dân đến Gia Lai, là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm, rau sống… Với mùi hơi khó ngửi đặc trưng, dần dà người ta gọi là bún cua thối để phân biệt với các món bún riêu khác.
Nước cua được ủ lên mùi rồi mới đem nấu thành nước dùng bún. Ảnh: ngoisao
Nhiều thực khách cho rằng, nếu bỏ qua được cảm giác ban đầu, thì thưởng thức bún cua thối lại có vị ngon riêng, khác biệt, cảm nhận vị mằn mặn, cay cay, là lạ. Bỗng dưng món ăn khiến khách cứ thế mà thưởng thức, gắp bún liên hồi để tận hưởng vị nước cua lẫn trong đũa bún thanh mát.
Nếu đến Gia Lai, bạn sẽ thấy quán bún cua thối không tên nằm ở góc đường Phùng Hưng (chợ nhỏ Pleiku) rất đông khách. Người ăn hút sột soạt tô bùn giữa tiết trời se lạnh về chiều của phố núi, tận hưởng món ăn như một đặc sản nổi tiếng của vùng đất cao nguyên này.
15. RƯỢU CẦN TÂY NGUYÊN
Ấn tượng khó quên của khách phương xa khi đến Tây Nguyên là những ống cơm lam thơm ngát và ché rượu cần say nồng. Hai thức dùng đã trở thành đặc sản linh thiên trong lòng người dân bản địa.. Đi Tây Nguyên mà không uống rượu cần thì coi như chưa đến được với Tây Nguyên…
Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hủ, ché hoặc bình không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng cần làm bằng lồ ô hay trúc đục thông lỗ để uống rượu. Rượu cần quý vì nhiều lẽ, người dân Tây Nguyên cho rằng rượu của họ là do Giàng (trời) bày cho cách làm, mỗi khi cúng giàng hay tế thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm. Hơn nữa rượu cần còn được làm khá công phu từ lương thực hàng ngày của đời sống con người – quý cũng vì lẽ đó.
Phương pháp làm rượu cũng khá đơn giản. Làm bằng ngô, củ sắn, bo bo, hạt kê hoặc gạo tẻ. Gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng rồi phơi. Men rượu được người dân tộc chế từ vỏ cây… lấy trong rừng trộn với bột ớt, bột gừng, riềng, bột gạo… 1 số thứ lá và rễ cây khác, trộn với nước và cắt thành từng bánh nhỏ phơi khô, để 10 đến 15 ngày giả nhỏ rắc lên nia cơm, trộn thêm 1 lần trấu rồi đổ vào ché rồi ủ từ 1 đến 2 ngày, lấy lá chuối khô ủ kín. Sau 1 tháng đem dùng, khi uống lót lá chuối tươi ở trên, đổ nước đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đáy ché, uống cạn tới đâu chế thêm nước tới đó. Cái độc đáo của rượu cần là càng để lâu rượu cần càng ngọt nồng nàn chứ không bị đắng. Mỗi loại nguyên liệu sẽ cho ra một loại rượu có hương vị khác nhau, trong số đó rượu kê là loại được ưa chuộng nhất.
Văn hóa uống rượu cần lại có cái hay đặc trưng của nó. Uống rượu, không phải uống sao cũng được, vấn đề uống là cả 1 nghi thức linh thiêng. Chủ nhà mang ché rượu bày ra giữa nhà, mở miệng ché rồi cắm cây cần vào. Múc nước lã đổ vào đấy tràn, uống một hớp tỏ lòng chân thành và tạo lòng tin cho khách. Sau đó thay mặt gia đình chúc khách rồi đến mời khách đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm phần thân cần sát miệng ché, vuốt dọc lên rồi uống. Cần để uống rượu của người Tây Nguyên thường là một đoạn giang, trúc, dút… nhỏ bằng ngón tay, dài từ 0,5 mét đến trên dưới 1 mét. Phong tục uống của mỗi dân tộc lại khác nhau. Người Ê Đê và M’nông chỉ dùng một chiếc cần duy nhất để uống và cần không bao giờ rời khỏi tay người uống. Còn người Mường sử dụng nhiều cần rượu, mỗi người một cần để nhiều người có thể cùng uống.
Hiện nay rượu cần không chỉ là thức uống dành riêng cho đồng bào mà đã được thương mại hóa đem xuống miền xuôi bán cho du khách gần xa. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Tây Nguyên đã đưa rượu cần vào kinh doanh, bày bán ở các khu du lịch, điểm tham quan, nhà hàng…như một cách giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa. Xa hơn rượu cần còn là cầu nối giao lưu văn hóa, tình cảm giữa các cộng đồng dân tộc khác nhau. Ngoài giá trị vật chất đơn thuần rượu cần con mang giá trị tinh thần sâu sắc, là một phần hồn, là nét văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên.