Địa chỉ Tịnh Xá Ngọc Phúc ở đâu Thành phố Pleiku Gia Lai

Người dân phố núi Pleiku thường gọi Tịnh xá Ngọc Phúc là Chùa Áo Vàng, vì chư Tăng tại đạo tràng đắp y vàng mỗi sáng thường xuống phố khất thực hoá duyên.

Tịnh xá Ngọc Phúc tọa lạc ở số 342B đường Phan Đình Phùng, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tịnh xá thuộc hệ phái Khất sĩ.

Tịnh xá do Trưởng lão Giác An xây dựng vào năm 1957, thuộc Giáo đoàn III của Hệ phái Phật giáo Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Ngài viên tịch vào năm 1971, nhập tháp tại Tổ đình Nam Trung (Nha Trang). Tháp có 7 tầng (tiêu biểu thất Bồ đề phần), cao 9m (tiêu biểu Cửu Phẩm Liên Hoa vô lượng giác), tòa sen 6 cánh (tiêu biểu Lục Độ Ba-la-mật hành thâm).

Người dân phố núi Pleiku thường gọi Tịnh xá Ngọc Phúc là Chùa Áo Vàng, vì chư Tăng tại đạo tràng đắp y vàng mỗi sáng thường xuống phố khất thực hoá duyên. Tịnh xá Ngọc Phúc do Đức Thầy Giác An khai lập vào mùa thu năm 1957. Trên đường vân du hoằng truyền Phật pháp, Đức Thầy cùng Tăng đoàn lần đầu tiên đặt chân trên miền đất cao nguyên này.

Vào thập niên 50, nơi đây còn là rừng thiêng nước độc vì khí hậu rừng núi ẩm thấp khiến người xứ khác mới đến thường bị dịch bệnh. Tuy người dân tứ xứ lên lập nghiệp, đời sống muôn vàn khó khăn, nhưng lòng kính thành và thiện duyên với Tam Bảo vẫn dâng tràn. Khi được thấy đời sống thanh tịnh giải thoát “tam y nhất bát” của chư Tăng và được nghe những lời giáo pháp vi diệu, như người mê chợt tỉnh, bà con quay về quy y học đạo. Để có nơi cho chư Tăng tịnh tu dạy đạo, bà con đã khai khẩn khu đất rộng hơn 1 héc-ta cúng dường Đức Thầy và Tăng đoàn lập tịnh xá. Đức Thầy hoan hỷ chứng minh tiếp nhận và đặt tên là Ngọc Phúc.

Những ngày đầu, nơi khu đất hoang vắng, cây cối còn rậm rạp, Tăng chúng đi khất thực về độ ngọ bên những cội cổ thụ. Sau đó kẻ của người công dựng vài cốc lá cúng dường Tăng chúng. Phật tử về học đạo ngày càng đông, nên không lâu sau nơi ngọn đồi vắng vẻ dạo nào nay thấp thoáng dưới rừng cây là ngôi chánh điện vách ván, mái tole và vài ba thảo am.

Theo truyền thống của Hệ phái Khất Sĩ, chư Tăng không ở quá lâu một trú xứ. Thế nên mỗi 3 hoặc 6 tháng, chư Tăng luân phiên thay đổi trụ trì. Năm 1974, Trưởng lão Giác Phúc về trụ trì Tịnh xá Ngọc Phúc. Tiếp theo đó, năm 1975, đất nước hoà bình, chư Tăng trụ lại một trú xứ tu tập và hành đạo, không thuyên chuyển nữa. Năm 1980, Trưởng lão Giác Phúc khởi công sửa chữa nhà thờ Cửu Huyền và một số công trình nhỏ để chư Tăng và Phật tử có điều kiện tu học, và cũng để chuẩn bị cho Lễ Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn của Giáo đoàn năm 1992.

Năm 1999, Trưởng lão Giác Phúc được suy cử làm Trưởng Giáo đoàn nên Tăng chúng thỉnh Ngài về Tổ đình Nam Trung (Nha Trang) để điều hành Phật sự. Ngài giao trọng trách trụ trì Tịnh xá Ngọc Phúc cho Thượng tọa Giác Thành. Cũng trong năm này, Thượng toạ bắt tay vào trùng tu tịnh xá. Lần trùng tu này đã thay đổi hoàn toàn diện mạo già-lam. Ngôi chánh điện được thiết kế 2 tầng, một trệt một lầu, mặt bằng mê trên 600m2, cao 17m. Ngoài ra các hạng mục khác như giảng đường, nhà thờ Cửu Huyền, tượng đài Đức Bổn Sư, bảo điện Di Lặc, vườn Lâm-tỳ-ni, tượng đài Bồ-tát Quán Thế Âm, bảo tháp thờ cố Trưởng lão Giác Phúc, nhà Tăng, nhà Ni, nhà khách, phòng cốc, đều được xây dựng khá khang trang. Công trình xây dựng kéo dài 3 năm, tịnh xá với lối kiến trúc vừa truyền thống vừa cách tân với tổng diện tích xây dựng lên đến 2.885m2. Năm 2006, Thượng toạ Giác Thành tiếp tục xây thêm dãy Tăng xá một trệt một lầu dài 30m đáp ứng nhu cầu tu học Tăng chúng.

Ngày nay, dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng trụ trì Giác Thành, đại chúng tu học tại tịnh xá trên 30 vị. Ngoài việc hướng đạo cho những vị chuyên tu phạm hạnh và dấn thân vào các công tác Phật sự, Hoà thượng còn khuyến khích chư Tăng trẻ tham học tại các trường Phật học trong cũng như ngoài nước. Hàng năm Tịnh xá Ngọc Phúc là điểm An cư kiết hạ của chư Tăng Hệ phái trong tỉnh. Hoà thượng và Tăng chúng thường xuyên tổ chức các khoá tu Bát Quan Trai, các khoá tụng niệm, cúng hội, thuyết giảng kinh pháp để khuyến khích, nâng cao tri thức Phật học và đạo tâm của Phật tử.

Tịnh xá Ngọc Phúc ngày nay không những là một danh lam của tỉnh nhà mà còn là không gian tâm linh thuần tịnh của Phật tử và người dân phố núi. Trong suốt hơn 40 năm, tịnh xá đã không ngừng phát huy trên cả hai lĩnh vực tu tập và Phật sự, đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng chúng, Phật tử và song hành tiến độ phát triển của Giáo hội. Ngôi phạm vũ Ngọc Phúc đã và đang từng ngày góp phần thăng hoa đời sống tâm linh, xương minh Chánh pháp, phụng sự chúng sinh, làm tốt đạo đẹp đời.

Quang cảnh sân tịnh xá Ngọc Phúc – Ảnh: Sưu tầm

Đến năm 1980, Trưởng lão trụ trì Giác Phúc tổ chức trùng tu tịnh xá. Tịnh xá đã được kiến thiết quy mô từ năm 1999 đến năm 2002 với nhiều hạng mục như: chánh điện, giảng đường, vườn Lâm Tỳ Ni, tượng đài Thích Ca, bảo tượng Quan Thế Âm… tổng diện tích xây dựng 2.785m2.

Có dịp đến Gia Lai, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh tịnh xá Ngọc Phúc, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.