Chợ trung tâm ở Banlung.
Banlung thủ phủ của tỉnh Ratanakiri (giáp với huyện Đức Cơ thuộc tỉnh Gia Lai), phía đông bắc Campuchia, là nơi có nhiều bà con người Việt đang làm ăn sinh sống.
Banlung được ví là “thành phố trong rừng”, bởi toàn thành phố được bao phủ bởi rất nhiều cây xanh, cây gỗ cổ thụ, cùng với những khu rừng nguyên sinh. Trước đây, đường đi từ Gia Lai sang Banlung gặp nhiều khó khăn do đường sá không thuận lợi.
Tuy nhiên, tuyến đường này đã được Chính phủ Việt Nam giúp xây dựng xong vào cuối năm 2008. Đặc biệt, từ năm 2007, khi khai thông cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, việc thông thương giữa hai nước được gia tăng.
Từ đó, rất nhiều thương nhân Việt Nam đã sang Ratanakiri để buôn bán, sinh sống, hình thành nên khu Việt kiều với hàng ngàn người dân ở thành phố Banlung. Người Việt ở đây sinh sống bằng nhiều nghề nhưng chủ yếu là mua bán và làm thuê.
Hầu hết người Việt sinh sống ở bên này đều biết tiếng Campuchia. Phần lớn bà con đều cần cù, chịu khó nên đời sống cũng khấm khá. Chợ Banlung là một trong những nơi có nhiều bà con người Việt làm ăn, buôn bán nhất.
Chợ Banlung cũng không khác chợ truyền thống của Việt Nam như chợ: Long Biên, Thành Công… Chợ được chia thành nhiều khu bán hàng riêng, với đủ loại sản phẩm, từ đồ thực phẩm hàng ngày tới vàng bạc, trang sức….và đặc biệt có nhiều quầy thu đổi tiền để người Việt sang đây mua sắm.
Một khu bán thực phẩm phục vụ Tết tại chợ Banlung.
Trong một góc quầy ở cuối chợ, bà Nguyễn Thị Phước (53 tuổi) kể: Bà sinh ra ở Quy Nhơn, lập gia đình ở Gia Lai, năm 1987, bà qua Banlung làm ăn buôn bán ở chợ, kinh doanh với đủ các mặt hàng, từ chè, rau và hiện đang bán hàng khô.
Sinh sống và kinh doanh ở đây trên 30 năm, theo bà Phước, trước đây bà và gia đình thường về quê nội ở Gia Lai ăn Tết. Nhưng mấy năm nay, bà ở lại Banlung ăn Tết vì mong muốn tập trung làm ăn để có một khoản tiền tích góp rồi về Việt Nam sinh sống.
Tết của người Việt ở đây cũng đầy đủ: Bánh chưng, giò, quần áo vàng mã, đồ cúng, bông, trái, hoa mai… “Có những thứ có sẵn, một số thứ phải chở từ Việt Nam sang. Người Việt Nam ăn Tết ở Banlung giống hệt như ở quê hương, cũng làm lễ ông Công ông Táo, cũng ra dọn dẹp ban thờ ngày Tết…”, bà Phước cho biết.
Khu bán đồ trang sức tại chợ Banlung
Người dân ở đây cũng gói bánh chưng nhưng không phải bằng lá dong mà bằng thứ lá mà bản thân người sinh sống lâu năm như chị Phước cũng không biết được tên.
Tuy nhiên, có điểm khác biệt đó là vào ngày cúng ông Công ông Táo, người Việt ở Banlung sẽ bỏ hết tro trong bát hương, bốc lại chân nhang mới, trong bát nhang mới sẽ có 5 loại đậu khác nhau, bỏ thêm gạo với mong muốn năm mới mang lại nhiều điều mới, tốt đẹp hơn năm cũ.
Đặc biệt, ở Ban Lung, người Campuchia ăn Tết Việt còn lớn hơn cả Tết của chính họ diễn ra vào tháng 4 âm lịch. Chính tình cảm thân thiện và ấm cúng của người Campuchia dành cho người Việt làm ăn trên đất Banlung khiến cho những người như bà Phước có cảm giác như đang được ăn Tết trên chính quê hương Việt Nam.
Khu bán quần áo phục vụ Tết ở Banlung
Cùng như bà Phước, bà Phùng Thị Kim Yến (sinh năm 1954) là người gốc Bắc, lấy chồng người Quy Nhơn nhưng sang Banlung lập nghiệp từ năm 1990. Việc chuẩn bị Tết âm lịch được bà Yến rất chú trọng, cũng đầy đủ nghi thức tất niên, có bánh chưng và hoa mai, giò, gà.
Do được chính quyền và người dân ở đây tạo điều kiện nên người Việt làm ăn kinh doanh buôn bán thuận lợi. Đến nay, gia đình bà Yến đã có một cơ ngơi ngay trên mặt phố cách chợ Banlung khoảng 5 phút di chuyển bằng ô tô.
“Ăn Tết bên này vắng người thân nên cũng hơi chạnh lòng, nhưng do người dân ở đây rất chan hòa, vui vẻ, hòa đồng và họ cũng cùng ăn Tết với người Việt nên cảm giác nhớ nhà dịu bớt” – bà Yến tâm sự.
Và đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người Việt đang làm ăn sinh sống xa nhà vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Theo Baotintuc.vn
XEM THÊM : 5 địa điểm check-in khi đến Plei-ku dịp Tết nguyên đán
Thảo luận về post này