Đến với phía Bắc nước ta có Quảng trường Ba Đình – lăng chủ tịch Hồ Chí Minh là trái tim của thủ đô Hà Nội. Thì khi đến mảnh đất Gia Lai bạn sẽ được gặp lại hình ảnh thân quen của Hồ Chí Minh trên Quảng Trường Đại Đoàn Kết tọa lạc ngay trung tâm thành phố Pleiku, gần quốc lộ 14. Đây được mệnh danh là trái tim của Pleiku, một công trình trọng điểm.
Quảng trường Đại Đoàn Kết ở đâu?
- Địa chỉ: P.Tây Sơn, Thành phố Pleiku, Gia Lai 600000
- Giờ: Mở cả ngày
- Điện thoại: 0336 261 901
- Tỉnh: Gia Lai
Giới thiệu về Quảng trường Đại Đoàn Kết
Nằm ngay trong lòng thành phố, Quảng trường Đại Đoàn Kết có tượng Bác Hồ lớn nhất Việt Nam. Quảng trường rất rộng, các ô cỏ trồng ngay ngắn, trông giống hệt như quảng trường Ba Đình. Buổi tối người dân thường ra đây dạo mát, đi bộ tập thể dục, tụ tập vui chơi… Những ông bố bà mẹ còn đưa con ra đây chơi đạp xích lô, những chiếc xích lô nhỏ lon ton chạy dọc khắp các ô cỏ, rất hồn nhiên và thư thái. Ở đây còn có dịch vụ ngồi xe ngựa dạo xung quanh bìa ngoài của quảng trường.
Hình ảnh người cha gia kính yêu của dân tộc đứng vững trên bệ, đưa tay vẫy chào đồng bào khắp cả nước làm gợi nhớ đến tình cảm của Bác đối với dân chúng. Dù qua bao nhiêu bão táp, gió trời thì tượng Chủ Tịch vẫn đứng uy nghiêm, luôn bên cạnh đồng bào Việt Nam.
Phía sau tượng Bác, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng dãy phù điêu mô phỏng hình hoa sen được cách điệu bằng đá uốn cong, như rừng núi Tây Nguyên bạt ngàn. Bên cạnh đó là những nét chạm khắc điêu luyện về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu của đồng bào nơi đây.
Giữa khuôn viên của quảng trường là khối đá bazan hình trụ tạo thành tháp đá 3 lớp cao dần lên, đầy sức sống của 54 dân tộc anh em. Bên phải và bên trái của bức phù điêu là 2 dàn cồng chiêng Tây Nguyên sẽ làm bạn ấn tượng với những chiêng bằng và chiêng núm.
Cũng giống như Quảng trường Ba Đình, trước khu tượng đài là những bãi cỏ được xén ô vuông xen kẽ với đá granit tạo thành con đường tản bộ cho mọi người thong dong. Cùng cột cờ cao 25 mét với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa quảng trường khiến bạn như gợi nhớ đến những chiến công hiển hách.
Vào mỗi sớm mai tinh mơ, khi đàn chim bay lượn, bạn sẽ bắt gặp những người dân chạy bộ, hay đi dạo để hít hà cái không khí trong lành sáng mai, đón một năng lượng mới. Đàn chim bay lượn quây quần, ríu rít trên những cây xanh được trồng. Bầu trời trở về với thời tiết trong lành, xanh, sạch, đẹp hơn bao giờ hết.
Không chỉ là nơi tham quan, dạo chơi cho bạn mỗi khi đến. Mà trong những dịp lễ, đặc biệt là khi xuân về, Quảng trường lớn này lại rộn rã tiếng cồng chiêng mừng xuân. Những giai điệu biến tấu độc đáo ấy sẽ đi sâu vào trong tâm hồn mỗi người con khi ghé thăm.
Vào dịp này, bạn sẽ có cơ hội tận hưởng cái không khí tết hòa trộn giữa sự nhộn nhịp và yên bình tại mảnh đất núi non trùng trùng điệp điệp. Người người, nhà nhà cùng đến đây để ngắm nhìn những bông pháo hoa được bắn tung tóe trên bầu trời.
Cuộc sống thanh bình nhẹ nhàng trôi ở Pleiku, không quá tấp nập và sôi nổi như người dân Hà thành hay Sài thành. Mà có thể bởi lẽ đó mà Quảng trường Đại Đoàn Kết lại trở thành điểm thu hút du khách đến thăm Pleiku để trải nghiệm sự mới mẻ với những niềm vui và niềm hạnh phúc xuất phát từ những điều đơn giản nhất – lòng tự hào dân tộc. Ắt hẳn chúng ta đều sẽ tìm được
những cảm giác thoải mái, yên bình tại nơi này.
Ảnh: Internet
Tài liệu: tổng hợp
Quảng trường Đại Đoàn Kết được thành lập theo Quyết định 564/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 16-11-2012 với khuôn viên rộng 12 ha gồm nhiều hạng mục như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; phù điêu bằng đá mô tả cuộc sống, sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên; mô hình núi Hàm Rồng; 2 hồ phun nghệ thuật; 205 ô cỏ và hàng trăm loại cây xanh. Nằm trong quần thể các công trình kiến trúc văn hóa-lịch sử như Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như trái tim của TP. Pleiku.
Sau khi khánh thành, Quảng trường Đại Đoàn Kết là một trong những công trình xác lập được nhiều kỷ lục nhất cả nước. Đầu tiên, công trình được Guiness Việt Nam công nhận là quảng trường có tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất; bộ cồng chiêng lớn nhất; bức phù điêu bằng đá lớn nhất với diện tích 600 m2. Hội Đá quý Việt Nam cũng công nhận Quảng trường có cột đá ghép nhiều trụ đá nhất; bức thư tạc trên tảng đá nặng nhất (135 tấn). Tiếp đó, Bộ Xây dựng công nhận công trình đạt huy chương vàng về chất lượng; Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận đây là một trong 10 sự kiện về văn hóa nổi bật nhất của năm 2012; Ban Tuyên giáo Trung ương công nhận Quảng trường đạt giải A về công trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.