TP.HCM đang nắng nóng với bức xạ tia UV mức rất cao, có thể gây bỏng da

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết bức xạ tia UV (tia cực tím) tại TP.HCM đang ở mức 10 (rất cao). Đây là mức nguy cơ làm bỏng nắng đối với da không được bảo vệ nếu tiếp xúc khoảng 25 phút.

Tia UV ở TP.HCM đang ở mức rất cao
ẢNH MINH HỌA
Ngày 16.2, Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết 2 – 3 ngày tới hình thế thời tiết chung chi phối trên cả nước như sau: Áp cao lục địa ở phía bắc tiếp tục tăng cường lệch ra phía biển nén rãnh áp thấp (có vị trí khoảng 23-25 độ N) dịch dần xuống phía Nam. Hội tụ gió trong đới gió tây trên cao thiết lập, dịch chuyển sang phía đông và hoạt động mạnh dần lên.
Hệ quả làm cho phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; phía đông Bắc Bộ đêm có mưa vài nơi; ngày có mưa, vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Bắc Trung Bộ đêm có mưa vài nơi, ngày có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; các khu vực khác đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng.

Nam Bộ mấy ngày tới thời tiết vẫn tốt, không mưa. Riêng miền Đông Nam Bộ (gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh) có nơi có nắng nóng với mức nhiệt cao nhất ban ngày 35oC, bức xạ UV hôm nay mức 10, sau đó giảm nhẹ, từ ngày 18-20.2 ở mức 9.
Ngày 19-20.2 do áp cao cận nhiệt lấn về phía tây, tạo những nhiễu động yếu và mây phát triển nhiều hơn, thời tiết Nam Bộ nhiệt độ ban ngày giảm nhẹ, có thể có mưa cục bộ một vài nơi, sau đó từ ngày 21 nắng nóng quay trở lại và tăng dần cường độ.
Theo Bệnh viện mắt Ánh Sáng, chỉ số UV là số đo cường độ tia cực tím chiếu lên bề mặt trái đất ở “Giờ Ngọ” – khi mặt trời lên cao nhất. Người ta lập ra chỉ số này để xác định sự cần thiết của các biện pháp phòng hộ phù hợp khi ra nắng để làm giảm nguy cơ bỏng nắng (cháy nắng), ung thư da và tổn thương mắt do tia nắng.

Người dân khi có việc ra đường cần mặc áo khoác, mang khẩu trang, kính mát,… để bảo vệ da và mắt

NGỌC THẮNG
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11+ (quá cao), thời gian gây bỏng là 10 phút. Chỉ số UV mức 8 – 10 (rất cao), thời gian gây bỏng là 25 phút. Như vậy, với chỉ số UV hiện tại là 10, người Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới mặt trời trong thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ.
Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, người dân cần có các biện pháp bảo vệ như: mặc áo khoác, đeo khẩu trang, kính chống nắng, thoa kem chống nắng,…
5 / 5 ( 1 bình chọn )